Bói Cá và tôi
- Yen Nguyen
- Mar 26
- 7 min read
Updated: Mar 31
Nguyễn Minh Hoàng
Hồ Chí Minh, 22-03-2025
Những mẩu chuyện Ngụ ngôn Bói Cá lần đầu tiên xuất hiện trên chuyên mục “Khoảng Lặng” của tạp chí Kinh tế và Dự báo vào ngày 5/5/2017, cách đây gần tám năm. Câu chuyện mở màn là “Kế hoạch hoàn hảo.” Đến năm 2021, 15 chuyện được tổng hợp lại, và đến gần cuối năm 2022, bản tiếng Anh mới chính thức ra đời. Đến nay, Ngụ ngôn Bói Cá đã rất dày dặn với 45 câu chuyện [1]. Hiện nay, chỉ riêng trên Amazon, tập truyện đã thu hút 300 ý kiến bình luận. Số KENP cũng đã đạt gần 3 vạn trang sách đọc trực tiếp từ Kindle Unlimited (tức là ngoài số sách đã tiêu thụ qua mua bản giấy hay điện tử).

Bản thân tôi biết đến Ngụ ngôn Bói Cá khá muộn, vào khoảng năm 2021 (sau đây xin gọi là Bói Cá vì sự thân thuộc của tập truyện đối với tôi). Ban đầu, tôi được nghe kể về Bói Cá qua những buổi cà phê ở góc phố, từ chính tác giả—GS Vương Quân Hoàng. Ngay từ lần đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút bởi lối suy nghĩ vô cùng “kỳ quặc” nhưng lại hoàn toàn hợp lý và hài hước. Những câu chuyện ấy không chỉ “bẻ não” mà còn thách thức định kiến, mang đến những tràng cười sảng khoái xen lẫn những khoảnh khắc suy ngẫm sâu sắc.
Một trong những điểm đặc trưng của Bói Cá là tư duy đa chiều, không bị gò bó vào khuôn mẫu cố định mà luôn vận động linh hoạt, nhưng vẫn dẫn dắt người đọc đến một trật tự tối ưu trong suy nghĩ. Đây chính là lối tư duy động điển hình của Lý thuyết Mindsponge và Lý thuyết Serendipity Mới, cả hai đều do GS Vương Quân Hoàng đề xuất [2,3].
Trước khi tiếp cận với hai lý thuyết này, tôi từng cảm thấy các lý thuyết khoa học xã hội và tâm lý học khá xơ cứng, chưa thực sự phản ánh được sự phức tạp và biến thiên của con người và xã hội. Nhưng lối tư duy Bói Cá đã thay đổi hoàn toàn cách tôi nhìn nhận vấn đề. Nó thôi thúc tôi tìm hiểu và ứng dụng tư duy Mindsponge vào nghiên cứu tâm lý và hành vi. Từ đó, tôi đề xuất cơ chế giải thích sự khởi sinh của suy nghĩ tự tử thông qua lăng kính Lý thuyết Mindsponge, cũng như phát triển phương pháp luận sáng tạo Bayesian Mindsponge Framework (BMF) cho nghiên cứu khoa học xã hội và tâm lý học [4-6].
Là một tập truyện ngụ ngôn hài hước, sử dụng lối viết phóng dụ, Bói Cá không chỉ mang đến tư duy động và đa chiều mà còn giúp tôi có những khoảnh khắc phản tỉnh quý giá. Chính sự phản tỉnh này đã giúp tôi nhận ra những điểm mù trong tư duy và định kiến cá nhân—những điều vốn khó nhận thức vì không gian thông tin của tôi bị giới hạn, trong khi các định kiến cố hữu lại liên tục được củng cố bởi môi trường và các tương tác xã hội xung quanh. Nhưng nhờ Bói Cá, tôi dần nhìn nhận và gỡ bỏ được những xiềng xích trong tâm trí mình, để rồi đón nhận sự sáng tỏ và thăng hoa với những suy nghĩ sáng tạo. Một trong những sản phẩm sinh ra từ quá trình ấy chính là chuỗi nghiên cứu tìm hiểu về cách tái kết nối cư dân đô thị với thiên nhiên—nền tảng cho sự bền vững cả về kinh tế lẫn xã hội [7-11].

Càng gỡ bỏ những định kiến trong tư duy, tôi càng đối mặt với nhiều câu hỏi hơn. Chính những câu hỏi ấy đã dẫn dắt tôi đi tìm lời giải cho một vấn đề cốt lõi: tại sao con người lại không nhận thức được nguồn sống, thiên nhiên, đang nuôi dưỡng chính mình? Từ đó, tôi chạm đến những chủ đề sâu xa hơn—đâu là thực tại, đâu là ảo giác, đâu là giới hạn giữa thế giới vật lý và tư duy, và làm thế nào để nhận ra cũng như khắc phục những giới hạn ấy. Tôi hiểu rằng tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này là một hành trình dài, đầy thách thức, có lẽ chẳng bao giờ có hồi kết. Nhưng nhờ cảm nhận được tinh thần sảng khoái mà Bói Cá mang lại, tôi đã bước ra được bước đầu tiên trong hành trình này bằng việc phát triển Khung Lý thuyết Ecomindsponge [12].

Thật vậy, tinh thần mà Bói Cá truyền tải không chỉ giúp tôi có dũng khí để phát triển một khung lý thuyết mà nó còn cho tôi sự sảng khoái để có thể nhìn vào những vấn đề tưởng chừng như đã đạt được sự thống nhất từ lâu trong giới khoa học và đặt ra câu hỏi trở về cội nguồn: giá trị là gì? Liệu khái niệm này có thể kết nối được vào nền tảng của vật lý, ngành khoa học được xem là tiệm cận với chân lý nhất, không?
Rất may mắn, GS Vương Quân Hoàng và tôi đã phần nào có lời giải cho câu trả lời này thông qua quyển sách và các tác phẩm làm rõ lý thuyết xử lý thông tin GITT [13-16], được xây dựng dựa trên thế giới quan của vật lý lượng tử, Lý thuyết Thông tin của Shannon, và Lý thuyết Mindsponge.
Thành thật mà nói, tôi chưa từng nghĩ sẽ có một ngày mình có thể luận bàn về những nguyên lý khoa học của các bậc vĩ nhân như Albert Einstein, Max Planck hay Ludwig Boltzmann để làm rõ lý thuyết của bản thân. Bói Cá đã chắp cánh ước mơ cho bản thân tôi có tinh thần tiếp bước thế hệ đi trước đã đóng góp miệt mài cho khoa học và phát triển nhận thức như GS Ngô Bảo Châu.
Rõ ràng, khoa học không thể nào chỉ đơn thuần là đo đếm mà cần có sự thôi thúc và truyền cảm hứng của các giá trị nhân văn [17,18]. Đối với tôi, đó là Bói Cá: A Kingfisherish way of life [19-20].
Trải bao chuyến đò rồi cũng sẽ tới lúc con đò phải nghỉ ngơi nơi bến cuối [21].
*** Tôi viết bài báo này để chân thành cảm ơn Kinh tế và Dự Báo, và TBT Đỗ Thị Phương Lan, đã chắp cánh cho Bói Cá khởi đầu hành trình 8 năm trước để có diện mạo và hưởng ứng của hàng trăm độc giả từ khắp các nước trên thế giới như ngày hôm nay.
References
[1] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6/
[2] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH.
[3] Vuong QH. (2022). A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism. Walter de Gruyter GmbH.
[4] Nguyen MH, et al. (2021). Alice in Suicideland: Exploring the Suicidal Ideation Mechanism through the Sense of Connectedness and Help-Seeking Behaviors. International Journal of Environmental Research and Public Health, 18(7), 3681.
[5] Nguyen MH, et al. (2022). Introduction to Bayesian Mindsponge Framework analytics: An innovative method for social and psychological research. MethodsX, 9, 101808.
[6] Vuong QH, Nguyen MH, La VP. (2022). The Mindsponge and BMF Analytics for Innovative Thinking in Social Sciences and Humanities. Walter de Gruyter GmbH.
[7] Nguyen MH, Jones TE. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9
[8] Vuong QH, et al. (2024) From beauty to belief: The aesthetic and diversity values of plants and pets in shaping biodiversity loss belief among Vietnamese urban residents. Humanities and Social Sciences Communications, 11, 1510. https://www.nature.com/articles/s41599-024-04036-8
[9] Nguyen MH, Jones TE. (2022). Predictors of support for biodiversity loss countermeasure and bushmeat consumption among Vietnamese urban residents. Conservation Science and Practice, 4(12), e12822.
[10] Nguyen MH, et al. (2023). Preventing the separation of urban humans from nature: The impact of pet and plant diversity on biodiversity loss belief. Urban Science, 7(2), 46.
[11] Nguyen MH. (2021). Multifaceted Interactions between Urban Humans and Biodiversity-related Concepts: A Developing-country Data Set. Data Intelligence, 3(4), 578–605.
[12] Nguyen MT, Le TT, Vuong QH. (2023). Ecomindsponge: A novel perspective on human psychology and behavior in the ecosystem. Urban Science, 7(1), 31.
[13] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. https://www.amazon.com/dp/B0D98L5K44
[14] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://ssrn.com/abstract=4922461
[15] Vuong QH, La VP, Nguyen MH. (2025). Informational entropy-based value formation: A new paradigm for a deeper understanding of value. https://papers.ssrn.com/abstract_id=5126652
[16] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Exploring the role of rejection in scholarly knowledge production: Insights from granular interaction thinking and information theory. Learned Publishing, 37(4), e1636.
[17] Vuong QH, Nguyen MH. (2022). Kingfisher: contemplating the connection between nature and humans through science, art, literature, and lived experiences. Pacific Conservation Biology, 30, PC23044.
[18] Nguyen MH, Vuong QH. (2025). The absurdity of nature love through aviary bird-keeping. Pacific Conservation Biology, 31, PC25003.
[19] Nguyen MH. (2024). How can satirical fables offer us a vision for sustainability?. Visions for Sustainability.
[20] Nguyen MH. (2024). A life-long humanistic journey to conservation practices. Current Conservation. https://www.currentconservation.org/a-life-long-humanistic-journey-to-conservation-practices/
[21] Hoàng VQ. (2025). Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông. https://zenodo.org/records/14995884
Comments