Khi thiên nhiên nổi giận: Thảm họa tự nhiên đe dọa loài linh trưởng toàn cầu và những gì chúng ta có thể làm
- Yen Nguyen
- 4 days ago
- 4 min read
Phướn Lớn
06-04-2025
There must be a plan of action because delaying will be dangerous. Kingfisher is unsure if he is too worried, but every time he counts the fish in the pond, the number of fish seems to decrease. The hot and stressful weather also makes his feathers molt and grow slower. The situation seems life-threatening!
Trích “GHG Emissions”; Wild Wise Weird [1]

Khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa thiên nhiên, các loài linh trưởng—nhiều loài trong số đó đã ở ngưỡng tuyệt chủng—ngày càng phải đối mặt với những cú sốc môi trường đột ngột. Mặc dù mối đe dọa này ngày càng rõ rệt, thiết kế của các khu vực bảo tồn hiện tại phần lớn vẫn bỏ qua yếu tố thảm họa thiên nhiên như một nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học. Nhằm lấp đầy khoảng trống quan trọng này, một nghiên cứu gần đây của Yang và cộng sự [2] đã giới thiệu một cách tiếp cận đổi mới, tích hợp rủi ro thảm họa vào các chiến lược bảo tồn toàn cầu cho linh trưởng.
Các nhà nghiên cứu đã xây dựng Bộ đánh giá thiên tai Disaster Risk Index (DRI) để đánh giá tác động của năm loại thảm họa thiên nhiên chính—lở đất, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão xoáy—đối với 518 loài linh trưởng trên toàn thế giới. Trong đó, lở đất nổi bật là mối đe dọa nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng đến 99,6% số loài và gây nguy hiểm cao cho 73% các loài đã bị đe dọa. Nguyên nhân chính là do các loài này sống trong các sinh cảnh núi cao bị chia cắt và hạn chế—những khu vực ngày càng dễ bị tổn thương khi biến đổi khí hậu đẩy các loài di cư lên độ cao lớn hơn.
Bằng cách chồng lớp dữ liệu về mức độ phơi nhiễm thảm họa lên bản đồ đa dạng sinh học của linh trưởng, nghiên cứu đã xác định được các khu vực có Nguy cơ cao đến rất cao - High Disaster Risk – High Conservation Need (HDR-HCN)—nơi đồng thời có rủi ro thiên tai cao và nhu cầu bảo tồn cấp thiết. Đáng báo động, chỉ 30% các khu vực HDR-HCN hiện đang nằm trong hệ thống bảo vệ, trong khi việc mở rộng đầy đủ các khu vực này thành khu vực bảo tồn có thể giúp 57 loài linh trưởng và 67% tổng số loài đạt được mục tiêu bảo tồn. Phân tích sâu hơn còn cho thấy khoảng 50% các khu vực HDR-HCN cũng thuộc nhóm có độ nhạy cao với khí hậu (Climate Sensitive, tức HDR-HCN-CS), nơi dự báo nhiệt độ sẽ tăng vượt ngưỡng 1,5 °C—làm trầm trọng thêm tính dễ tổn thương sinh thái.
Lưu vực Amazon phía tây được xác định là khu vực ưu tiên hàng đầu cho việc mở rộng hệ thống bảo vệ, vì nơi đây bao phủ tới 78% vùng sinh cảnh HDR-HCN-CS và có mật độ dân số thấp [3,4]. Những điều kiện này khiến khu vực này đặc biệt phù hợp để thiết lập các khu bảo tồn tích hợp, quy mô lớn. Ngược lại, các khu vực có mật độ dân số cao như Borneo và Tây Phi đòi hỏi các phương pháp tiếp cận thích ứng và dựa vào cộng đồng, chẳng hạn như biện pháp bảo tồn theo không gian do cộng đồng địa phương hoặc người bản địa quản lý, thực hành sử dụng tài nguyên bền vững, và các mô hình bảo tồn dựa trên khuyến khích.
Nghiên cứu nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa bảo tồn sinh thái và khả năng chống chịu của con người: những cảnh quan thiết yếu cho sự sống còn của linh trưởng cũng chính là những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Thiết kế khu vực bảo tồn có tính đến rủi ro thảm họa không chỉ giúp bảo vệ đa dạng sinh học của linh trưởng—bao gồm cả những họ hàng tiến hóa gần nhất của con người—mà còn tăng cường an ninh sinh thái cho các cộng đồng con người. Nhìn chung, nghiên cứu kêu gọi một sự chuyển đổi mang tính hệ thống trong quy hoạch bảo tồn—đặt khả năng chống chịu thiên tai làm trọng tâm cho các chiến lược bảo vệ thiên nhiên và con người.
Tài liệu tham khảo
[1] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6/
[2] Yang L, et al. (2025). Integrating natural disasters into protected area designing for global primate conservation under climate change. Geography and Sustainability, 6(3), 100242. https://doi.org/10.1016/j.geosus.2024.09.006
[3] Joppa LN, Pfaff A. (2009). High and far: biases in the location of protected areas. PLoS One, 4(12), e8273. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0008273
[4] Mu HW, et al. (2022). A global record of annual terrestrial Human Footprint dataset from 2000 to 2018. Scientific Data, 9, 176. https://www.nature.com/articles/s41597-022-01284-8
[5] Nguyen MH. (2024). How can satirical fables offer us a vision for sustainability? Visions for Sustainability. https://ojs.unito.it/index.php/visions/article/view/11267
Comments